Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Đạo lí của người quân tử là cao xa, rộng lớn



Trong thời kỳ Khổng Tử chu du liệt quốc của Trung Hoa, lúc đi ngang qua đất của nước Trần và Thái thì đoàn người của ông không còn lương thực nữa. Đối diện trước hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn ngồi giữa hai gốc cây dạo đàn, ca hát, và soạn nhạc trong cuộc hành trình.
Học trò của ông, Tử Lộ, cảm thấy lo lắng, mới hỏi, “Thưa Thầy, Thầy vẫn ca hát ngay cả trong hoàn cảnh này. Đây có phải là một đòi hỏi trong cách cư xử về lễ nghĩa chăng?”
Khổng Tử không trả lời cho đến khi ông đàn xong một khúc nhạc. Sau đó ông nói, “Này Tử Lộ, dưới tình huống như vậy, người quân tử diễn tấu âm nhạc là để loại bỏ lòng kiêu hãnh của chính mình, trong khi kẻ tiểu nhân chơi nhạc là để dẹp đi sự sợ hãi của chính họ. Ngươi theo ta mà không thực sự hiểu ta sao?”
Khổng Tử đưa cho Tử Lộ một tấm khiên và bảo anh ta múa vũ với cái khiên này. Sau khi múa ba lần, Tử Lộ lấy lại bình tĩnh.

Một học trò khác, Tử Cống, thưa rằng, “Con đường Đạo của Thầy đã đạt đến cảnh giới rất cao, cho nên người trong thiên hạ không dễ gì chấp nhận. Thầy có thể hạ tiêu chuẩn của Thầy xuống một chút được không?”
Khổng Tử đáp lời, “Tử Cống, một người nông phu giỏi tay trồng trọt, nhưng điều này không thể bảo đảm rằng anh ta sẽ có một vụ thu hoạch tốt. Một người thợ giỏi về tiểu công nghệ, nhưng không phải người nào cũng yêu thích sản phẩm của anh ta làm ra.
“Người quân tử hoằng dương đạo nghĩa là hy vọng người trong thiên hạ có thể chiếu theo các nguyên tắc chính đạo mà hành xử để trở về với đạo lý của Trời. Làm sao họ có thể hạ thấp các tiêu chuẩn đạo nghĩa để làm vui lòng con người thế tục? Nếu ngươi hôm nay không thể đi theo chính đạo của ngươi, thay vào đó chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để cho thiên hạ thu nạp, là bởi vì chí hướng của ngươi không rộng lớn và cao xa.”
Học trò khác của Khổng Tử, Nhan Hồi, thưa rằng, “Đạo của Thầy đã đạt đến cảnh giới rất cao xa, cho nên có những người không thể dung nạp được. Dầu vậy, Thầy vẫn tận tâm tận lực thúc đẩy cho nó được thực hành, và dùng tấm lòng nhân đức để cứu bá tánh ra khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng. Tuy rằng gặp phải trở ngại, khó khăn, và không vì chỉ có một ít người chấp nhận, Đạo của Thầy vẫn thương xót tất cả. Khả năng này chính là sự quý giá của chính đạo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn kiên trì giữ vững chính đạo và không dao động. Điều này chỉ người quân tử mới có thể làm được.

“Không tu dưỡng chính đạo, là sự hổ thẹn của chúng ta. Chúng ta truyền bá chính đạo rồi, nhưng một số người không chấp nhận, đó chính là sự hổ thẹn của bọn họ.”
Khổng Tử vui vẻ nói :” Nhan Tử hiểu biết được như vậy là tốt lắm!”
Lúc đó, một cơn gió nhẹ mang theo hương thơm của hoa thổi tới. Khổng Tử lần theo mùi thơm mà đi và tìm thấy một dẫy hoa lan trong một hang núi thâm sâu. Những bông hoa trông thật thanh nhã, đoan trang và đẹp đẽ. Nó mọc lên ở một chỗ không người nào biết đến, nhưng hương thơm của nó toả ra rộng khắp.
Khổng Tử nói với các học trò rằng, “Hoa lan mọc lên trong thâm cốc. Nó không ngưng tỏa hương thơm của nó chỉ vì không có người nào nhận biết; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi hương thơm tự nhiên thanh tao của nó, giống như là sự chân chánh trong sạch, kiên cường và tinh khiết thanh cao của người quân tử. Nó thật sự mang khí tiết của người quân tử chân chánh!”
Sau đó, Khổng Tử cảm hứng sáng tác bài thơ “Ỷ Lan Thao” (có nghĩa là ‘Dựa vào tiết tháo của hoa lan’) và đồng thời soạn thảo một bản nhạc đi kèm. Tất cả học trò của ông đều cảm thấy phấn khởi.
Khổng tử giảng tiếp, “Hoàn cảnh khốn đốn mà ẩn chứa đạo lý cũng giống như hành trình đi từ lạnh lẽo khắc nghiệt tới khí hậu ấm áp, sau khi trải qua mùa đông khắc nghiệt thì tiết xuân ấm áp sẽ đến. Điều này chỉ có bậc hiền đức mới có thể hiểu biết được, những người khác không hiểu rõ được.”
Tử Cống hỏi Thầy, “Thưa Thầy, tại sao có những người không hiểu rõ được?”
Khổng Tử trả lời, “Những người không có chí lớn, thì chỉ nhìn những gì trước mắt. Những gì cá nhân họ không nhìn thấy được thì họ không tin. Tuy nhiên những người tu dưỡng đạo đức và đảm đương trách nhiệm lớn lao thì sẽ không bị hoàn cảnh bên ngoài làm lung lay chí hướng, bởi vì trong tâm của họ đã có đạo lý, cho nên có thể nhìn xa trông rộng, với trí tuệ sâu xa rộng mở mà đem nghịch cảnh xoay trở thành hoàn cảnh thuận tiện cho mình.”
Các học trò của ông nghe xong, đều cảm thấy tinh thần phấn chấn. Ngày hôm sau, Chu Vương biết được tình trạng nên phái người tới giải cứu. Hoàn cảnh khốn đốn của họ đã được giải trừ.
Khổng Tử lúc bình sinh làm bất cứ việc gì, đều kiên trì giữ vững nguyên tắc, chí nguyện không thay đổi. Ông khởi xướng đạo lý, “tuân theo đạo Trời, giữ vững cương thường, và thi hành chính sách nhân từ”, và “tận tâm tận lực làm việc theo Thiên mệnh”. Người quân tử là phải kiên trì chắc chắn trong niềm tin của mình, kiên trì giữ vững tiết tháo, chí hướng không thể lay chuyển. Bởi vì lý tưởng của người quân tử đầy cao cả và xa rộng, họ dám đảm đương trách nhiệm và sứ mệnh duy trì bảo vệ chân lý và chính nghĩa xã hội, họ dùng lòng nhân ái để kêu gọi càng nhiều người hãy tỉnh ngộ mà quay trở về với con đường chân chính!

2 nhận xét:

  1. Bạn Vũ cố gắng lên nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ni đã ủng họ cho Vũ, Vũ sẽ luôn cập nhật. Nhớ ghé thăm thường xuyên nha!!

      Xóa